Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao đồng đô la Mỹ có thể mạnh lên khi nền kinh tế tăng trưởng tốt lẫn trong thời điểm khó khăn như hiện tại không?
Tỷ phú Charlie Munger, người có quan hệ mật thiết với Warren Buffett cho rằng đây là một chỉ báo quan trọng, thế giới sắp đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế cực kì tồi tệ, ảnh hưởng đến túi tiền của chính chúng ta.
Chỉ số sức mạnh của đồng đô la DXY
Đây là chỉ số so sánh giá trị của đô la Mỹ với một rổ ngoại tệ của các đối tác thương mại với Mỹ. Trong đó có thể kể đến: Châu Âu, Anh, Nhật, Canada, Thụy Sỹ, Thụy điển.
Khi nhìn biểu đồ, chúng ta lấy mốc tham chiếu là 100. Chỉ số DXY hiện tại là 109.7, điều này có nghĩa là giá trị đồng đô la Mỹ đã tăng lên 9.7% so với rổ tiền tệ. Nói một cách đơn giản, khi DXY tăng thì giá trị của đồng đô la Mỹ tăng so với các loại ngoại tệ khác. Ngược lại, ví dụ nếu chỉ số này giảm còn 85, nghĩa là giá trị đồng đô la Mỹ đã giảm 15%.
Đô la Mỹ có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Và đây là lý do tại sao:
Thứ nhất, USD là đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong các giao dịch quốc tế và là đồng tiền dự trữ phổ biến nhất thế giới . Theo thống kê của FED thì có đến ⅔ tổng số tờ 100$ và ½ tổng số tờ 50$ đang lưu thông bên ngoài nước Mỹ. Một số quốc gia còn sử dụng đô la Mỹ là đồng tiền hợp pháp chính thức, ví dụ như Campuchia.
Thứ hai, hệ thống Petrodollar, các quốc gia muốn mua bán dầu mỏ đều phải sử dụng đồng đô la và Mỹ làm mọi cách để bảo vệ hệ thống thanh toán này, kể cả chiến tranh. Đó cũng là lý do các quốc gia không thể không dự trữ USD.
Những điều này đã giúp Mỹ duy trì vị thế vượt trội. Nói tóm lại, đồng tiền mạnh, quốc gia mạnh.
Hai kịch bản khiến chỉ số DXY tăng
Kịch bản đầu tiên, đồng đô la mạnh khi nền kinh tế Mỹ phát triển tích cực . Ví dụ ở giai đoạn 2018, Hoa Kỳ đạt được nhiều thành quả:
GDP tăng liên tục trong 03 quý liên tiếp.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp nhất trong nhiều năm.
Nền kinh tế tăng trưởng tốt và bền vững thì giá trị đồng nội tệ sẽ tăng lên. Nhu cầu sở hữu đồng tiền đó sẽ tăng do nhu cầu giao thương.
Kịch bản thứ hai đồng đô la mạnh khi nền kinh tế toàn cầu khó khăn:
Có một sự thật là đồng USD được hưởng lợi từ những lo ngại về khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khi sự sợ hãi được đẩy lên cao, các nhà đầu tư có xu hướng tìm tới các loại tài sản trú ẩn an toàn trong đó có Vàng, Đô la Mỹ, Franc Thuỵ Sỹ…
Không cần nói đâu xa xôi, ở ngay VN thôi, dù USD liên tục tăng giá, nhu cầu tích trữ đồng tiền này vẫn cực kì nóng. Theo ước tính, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 12-13 tỉ USD, tương đương hơn 11% mức dự trữ ngoại hối. Đến nay, nhu cầu nắm giữa USD vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Khi kinh tế toàn cầu rơi vào khó khăn, mọi người tạm ngừng đầu tư vào các loại tài sản rủi ro cao như chứng khoán, crypto hay bất động sản. Họ quyết định giữ đồng USD. Theo quy luật cung cầu thì khi nhu cầu nắm giữ USD của mọi người tăng cao, giá trị của đồng tiền này sẽ tăng lên. Không phụ thuộc vào việc nền kinh tế Mỹ lúc đó có mạnh hay không.
Rõ ràng hiện tại chúng ta đang ở kịch bản thứ 2. Đồng đô la sẽ còn tăng đến bao giờ và điều gì sẽ xảy ra sau đó? Mình sẽ phân tích ở phần tiếp theo nha.
Dollar Smile – Học thuyết “Đô la cười”
Đồng đô la đang cười. Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu, và đây là một học thuyết hẳn hoi. Thuyết Dollar Smile do Stephen Jen – Nhà chiến lược tiền tệ và kinh tế học.
Đầu tiên, hãy vẽ một cái miệng cười. Ở khóe miệng bên trái, do lo ngại về sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, mọi người tìm đến USD để trú ẩn, Dxy tăng.
Phần thấp nhất của nụ cười thể hiện đồng USD đang yếu đi trong một cuộc khủng hoảng kinh tế chung trên toàn thế giới. Điều này phản ánh giá trị của đồng USD khi kinh tế Hoa Kỳ gặp khó khăn: GDP liên tục giảm, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp liên tục tăng cao…
Ví dụ, giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008 -2010, Dxy giảm sâu, ATL (all time low) là 70.7 vào năm 2008.
Cuối cùng, phần khóe miệng bên phải. Đồng đô la lại tăng sức mạnh khi nền kinh tế toàn cầu và Mỹ phục hồi sau khủng hoảng. Giai đoạn này có thể nhìn vào 2014-2015.
Theo học thuyết “đồng đô la cười” thì chúng ta đang ở điểm đầu tiên của khóe miệng bên trái. Dxy tăng do USD là tài sản trú ẩn, mọi người lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế sau covid.
Nếu theo đúng kịch bản, tiếp theo sẽ là một cuộc khủng hoảng kinh tế và mọi người lại có xu hướng tháo chạy khỏi USD khi nền kinh tế Mỹ trở nên tồi tệ hơn.
Lo lắng về khủng hoảng kinh tế không phải là không có cơ sở. Các quốc gia đã tung một lượng tiền khổng lồ ra thị trường do đại dịch Covid. Lạm phát đang tăng cao kỉ lục sau nhiều thập kỉ ở khắp mọi nơi. Fed liên tục tăng lãi suất, khiến thế giới nín thở chờ đợi. Ở một kịch bản khác, chiến tranh Nga – Ukraina vẫn chưa đi đến hồi kết. Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng. Dxy tăng chỉ là một chút ánh sáng trước khi cơn bão ập đến mà thôi.
Kết
Khủng hoảng kinh tế xảy ra hay không vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, có một câu nói rất hay đó là “Muốn biết tương lai hãy nhìn vào quá khứ”. Nhiều số liệu lịch sử trong đó có chỉ số Dxy đang thiên về kịch bản có khủng hoảng. Bạn nghĩ sao về quan điểm này?