Sau sự thay đổi của Ethereum blockchain từ cơ chế đồng thuận POW (Proof of work) sang cơ chế POS (Proof of stake) với sự kiện upgrade Merge và upgrade Shanghai thì cụm từ Liquid Staking càng được quan tâm nhiều hơn. Với những người mới thì thuật ngữ này thật xa lạ, chúng ta có thể đã nghe đến từ “Staking” ở một số blockchain layer 1 POS trước đó như ADA, NEAR, Solana, Luna,… Vậy Liquid Staking là gì? Nó khác gì so với thuật ngữ đơn thuần Staking trước đó?
Trong bài viết này, Coinwire sẽ đi vào giới thiệu cho các nhà đầu tư nắm được Liquid Staking là gì và giải pháp mà nó đưa ra cho tình hình hiện tại của vấn đề Staking.
Liquid Staking là gì?
Để hiểu được Liquid Staking là gì? Chúng ta cần tách nghĩa của từ Liquid Staking, nó bao gồm 2 thuật ngữ quen thuộc trong thị trường crypto là “Liquid” và “Staking”. Về từ “Liquid” được nhắc tới ở đây có nghĩa liên quan đến thanh khoản, còn “Staking” liên quan đến vấn đề stake, đặt cọc, uỷ quyền đồng coin của mình cho các validator hoạt động trên blockchain. Vì thế, Liquid Staking là một giải pháp liên quan đến cung cấp thanh khoản cho “vấn đề Staking” ở hiện tại.

Liquid Staking là khái niệm được đề cập cho những giải pháp cung cấp thanh khoản cho việc Staking khi các nhà đầu tư vẫn có thể dùng “tài sản đại diện staking” của họ để thực hiện các giao dịch, tham gia vào các ứng dụng phi tập trung (Dapps) để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn hoặc giảm thiểu các rủi ro liên quan đến việc staking.
Liquid Staking hoạt động như thế nào?
Vấn đề của Staking hiện tại
Vì sao chúng tôi nhắc đến “vấn đề Staking” ở trên? Như chúng ta biết, các blockchain với cơ chế đồng thuận POS cho phép người dùng stake tài sản của mình với việc uỷ quyền, lựa chọn các validator để các validator này thực hiện các công việc xác minh cho sự hoạt động của toàn blockchain. Khi người dùng Stake lượng tài sản này, họ có thể nhận mức lãi từ 5-10%/ năm (APY 5-10%), tuy nhiên có 2 vấn đề xảy ra ở đây:
- Vấn đề 1: Khi staking, tài sản của họ bị khoá, và họ không thể sử dụng để tìm kiếm thêm lợi nhuận, mức lợi suất 5-10% là không lớn trong thị trường crypto.
- Vấn đề 2: Thời gian unstaking là khá lâu với một thị trường crypto đầy sự biến động mạnh mẽ sẽ đem lại khá nhiều rủi ro.
Với vấn đề thứ nhất khi staking tài sản bị khoá, tài sản của người dùng gần như bị đóng băng, các nhà đầu tư chỉ có thể stake khoản tiền của họ để nhận lấy mức APY ổn định, nhưng thấp trong thị trường crypto. Một số nhà giao dịch tin rằng họ có thể tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn thế bằng cách thực hiện các giao dịch hoặc tham gia đầu tư vào các Dapps như Lending/borrowing, DEX,..
Vấn đề thứ hai được quan tâm hơn rất nhiều so với vấn đề thứ nhất. Quay lại câu chuyện sụp đổ của LUNA vào năm 2022, sự sụp đổ nhanh chóng về giá của LUNA khiến nhiều nhà đầu tư đã staking LUNA của họ rơi vào cảnh khốn đốn. Sau khi unstaking, người dùng phải chờ đến 21 ngày để có thể nhận lại LUNA của họ, chúng ta có thể thấy biểu đồ giá bên dưới, chỉ trong 2 ngày giá của LUNA đã từ mức hơn 80$ về tới mức chỉ hơn 0$.

Vì thế, thời gian unstaking lâu là vấn đề rủi ro rất lớn với những người tham gia staking khi thị trường biến động. Với LUNA trước đây là 21 ngày, với Near thời gian unstaking là 72h và Solana… đa số các blockchain khác cũng cần chờ 1 khoảng thời gian để có thể nhận được tiền ở ví của mình. Đây là một vấn đề rất lớn với Staking hiện tại.
Giải pháp của Liquid Staking
Liquid Staking được ra đời để giải quyết 2 vấn đề trên của Staking. Giải pháp của Liquid Staking đó là cung cấp lại cho những người đã tham gia staking 1 tài sản mới, bảo chứng cho số lượng, tài sản mà họ đã staking.

Hình trên mô tả cách mà các dự án Liquid Staking hoạt động: Họ cho phép người dùng gửi tài sản để họ có thể thay họ phân bổ chúng tới các Validator và nhận thưởng – người dùng cũng có thể tự mình thực hiện điều này. Tuy nhiên điểm khác ở đây là các dự án Liquid Staking sẽ cung cấp cho bạn 1 đồng coin X’ – bảo chứng cho số lượng coin mà bạn đã gửi vào dự án, ví dụ với LIDO thì khi bạn gửi ETH thì bạn sẽ nhận được lại stETH tương ứng số lượng ETH bạn đã gửi vào đó.
Khi bạn muốn nhận lại coin X của mình, bạn chỉ cần gửi lại X’ cho dự án, và chờ thời gian để dự án unstaking và gửi lại bạn số lượng coin X và phần thưởng X sau khi họ đã trừ các khoản chi phí khi thay bạn thực hiện phần Staking.
Sau khi nhận X’, bạn có thể tham gia tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các Dapps trên blockchain đó bằng cách swap X’ thành X với thanh khoản mà các dự án Liquid Staking đã cung cấp trên các sàn DEX. Ở đây chúng ta đã giảm thiểu được vấn đề rủi ro liên quan đến thời gian Unstaking, ngay khi có tín hiệu bất ổn định từ thị trường, chúng ta có thể swap ngay X’ sang X ngay lập tức và thực hiện các chiến lược phòng ngự, bảo vệ tài sản của mình.
Nhược điểm của giải pháp Liquid Staking
Giải pháp mà Liquid Staking đưa ra rõ ràng là rất khả thi và giải quyết được đúng vấn đề khó khăn mà người dùng đang phải đối mặt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề rủi ro đằng sau giải pháp này mà người dùng cần xem xét để lựa chọn chiến lược phù hợp khi tham gia staking.
Rủi ro kinh doanh từ dự án
Người dùng gửi tiền vào các dự án Liquid Staking, họ sẽ không biết các dự án sẽ phân bổ số tiền của mình đến các Validator nào, mức độ hoạt động hiệu quả ra sao. Những dự án này hoàn toàn có thể lấy tiền của người dùng và biến mất đi giống như những dự án lừa đảo trước đây.
Ngoài ra, các dự án này hoàn toàn có khả năng bị hack, khai thác lỗ hổng như trường hợp của Stader Lab bị khai thác với thiệt hại hơn 800.000 USD trên Near blockchain.
Rủi ro thanh khoản của các tài sản bảo chứng
Nhiều nhà đầu tư sẽ không để ý, quan tâm tới rủi ro này, nhưng nó có tác động khá lớn tới lợi nhuận và chắc chắn có rủi ro với nhà đầu tư. Như chúng tôi đã đề cập ở phần giải pháp Liquid Staking, các dự án này sẽ cung cấp thanh khoản cho các cặp giao dịch X-X’, tuy nhiên phần thanh khoản này thường rất ít so với tổng số X’ trên thị trường. Do dự án không có nhiều tiền để cung cấp thanh khoản và hiếm khi nào xảy ra trường hợp 100% X’ trên thị trường được swap sang X.
Vì thế sẽ có trường hợp khi người dùng muốn swap một lượng X’ đủ lớn sang X, sẽ có khả năng xảy ra việc trượt giá do sự mất cân bằng lớn giữa X và X’ trong pool thanh khoản.
Tình hình thị trường Liquid Staking hiện tại
Dưới đây là bảng thống kê các lĩnh vực dẫn đầu về giá trị tài sản được khoá (Total Value Locked) theo dữ liệu từ DefiLlama, chúng ta có thể thấy được rằng lĩnh vực Liquid Staking là một lĩnh vực có giá trị thị trường rất lớn, nó chỉ đứng sau Dex với một khoảng cách không hề lớn. Rõ ràng chúng ta có thể có cơ hội tìm kiếm đầu tư nhiều hơn vào các dự án trong lĩnh vực này.

Dưới đây là các Protocol dẫn đầu trong lĩnh vực Liquid Staking, chúng ta có thể thấy được Lido đã bỏ xa các dự án đối thủ của mình trong lĩnh vực khi chiếm tới hơn 11 tỷ USD giá trị tài sản được khoá, gấp 5 lần so với protocol thứ hai và gần 10 lần so với người đứng thứ 3. Liệu rằng sẽ có một dự án nào mới sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Lido trong thời gian sắp tới khi miếng bánh thị trường ngày càng trở nên rõ ràng hơn?

Tổng kết
Liquid Staking là một giải pháp rất ấn tượng, giải quyết vấn đề rủi ro cho những người tham gia staking trên các blockchain. Tuy nhiên nó vẫn luôn kèm theo những rủi ro mà người dùng cần cẩn thận đánh giá và có các chiến thuật phòng ngự, bảo vệ tài sản hợp lý. Giá trị thị trường của lĩnh vực này cũng đang rất béo bở, chúng ta có thể tìm kiếm các dự án mới, có những giải pháp, công nghệ vượt bậc để nâng cao lợi nhuận.