Blockchain liên tục chứng minh tính hiệu quả của nó trong cuộc cách mạng công nghệ và không còn là câu nói cường điệu về sự bùng nổ của cơ sở dữ liệu theo thời gian. Khi blockchain đang dần trở nên phổ biến, hàng loạt các ứng dụng cũng phát triển theo và mở ra nhiều lợi ích, tiềm năng to lớn cho thị trường non trẻ này. Và một trong những sản phẩm hữu ích nhất là Smart Contracts.
Smart Contracts là gì?
Thuật ngữ “Smart Contracts” được Nick Szabo đưa ra lần đầu tiên vào năm 1994 trong lĩnh vực khoa học máy tính. Mặc dù nó đã chứng minh được các lợi ích từ lâu, trước cả sự ra đời của Bitcoin, nhưng các trường hợp áp dụng vào thực tế của Smart Contracts vẫn còn rất hạn chế. Với các Smart Contracts, Nick Szabo đã đề xuất khái niệm về việc tạo ra các đoạn code tự động quản lý tất cả các phần của hợp đồng và hoạt động trên nền tảng blockchain. Sản phẩm Bit Gold của Nick được cho là nền móng cho sự ra đời của Bitcoin.
Kể từ đó, các Smart Contracts đã trở nên phổ biến hơn. Nhiều ứng dụng của blockchain đang hoạt động với sự hỗ trợ của các Smart Contracts, chẳng hạn như sàn giao dịch phi tập trung (DEX), Ví (wallet), ứng dụng phi tập trung (Dapp) và các hợp đồng doanh nghiệp có ràng buộc.
Smart Contracts là các đoạn code tự động xác minh, triển khai và vận hành tất cả các phần nội dung của thỏa thuận và hoạt động trên nền tảng công nghệ blockchain. Mục đích của Smart Contracts là để tự động hóa các nghĩa vụ, cắt bỏ thủ tục giấy tờ dài dòng cũng như không cần bên thứ ba trung gian liên quan đến việc tự chuyển và ghi nhận nguồn vốn, tiền bạc giữa hai hoặc nhiều bên tham gia vào hợp đồng. Các chức năng cụ thể của Smart Contracts giúp chúng có tính ứng dụng cao trong một số ngành, tổ chức, doanh nghiệp, cho dù trong môi trường B2C hay B2B.
Trong môi trường doanh nghiệp, các chức năng này tự động thực thi một phần hoặc toàn bộ các nội dung hợp đồng giữa người mua và người bán. Chi tiết hơn, khi một Smart Contracts chạy trên blockchain, nó sẽ tự động thực hiện một bộ hướng dẫn cụ thể dựa trên các điều khoản được viết trong mã. Nếu các điều kiện của hợp đồng được thoả mãn, các giá trị sẽ được thực hiện qua lại lẫn nhau.
Ngược lại, nếu một số tiêu chí không được đáp ứng, hợp đồng sẽ không thực thi các nội dung được đưa ra. Các hợp đồng, cùng với môi trường xung quanh, chẳng hạn như các giao dịch được lưu trữ trên blockchain có thể được theo dõi, giám sát nhưng rất khó để có thể bị đảo ngược (dựa vào cấu hình của mã).
Máy ảo Ethereum (EVM)
Máy ảo Ethereum (EVM) là môi trường mà các Smart Contracts được thực thi. Mỗi node trên hệ thống Ethereum có khả năng tương đồng với một EVM và thực hiện cùng một bộ hướng dẫn như đã nêu ở trên. Một trong những điểm khác biệt giữa Bitcoin và Ethereum là Ethereum sử dụng hệ thống Turing Complete (một cỗ máy, được cung cấp đủ thời gian và bộ nhớ, cùng với các hướng dẫn cần thiết để giải quyết bất kỳ vấn đề tính toán nào, cho dù nó có phức tạp đến đâu) trong khi Bitcoin áp dụng hệ thống Turing Incomplete.
Do đó Ethereum cung cấp nhiều khả năng giải quyết các vấn đề tính toán, ngay cả những vấn đề phức tạp nhất. Khả năng này cho phép EVM tạo nhiều địa chỉ và thiết lập các Smart Contracts trên blockchain Ethereum.
Binance Smart Chain
Khi nói đến tương lai của ngành kinh doanh Smart Contracts, Binance Smart Chain gần đây là một cái tên thu hút được nhiều sự chú ý. Các nhà phân tích ước tính rằng tổng khối lượng giao dịch trên BSC sẽ sớm vượt qua Ethereum. Động cơ đằng sau sự phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn này nằm ở việc Ethereum có mức giá quá cao, thúc đẩy nhiều dự án chuyển sang Binance Smart Chain. Khi hầu hết các nhà phát triển dự án và người dùng đang tìm cách áp dụng hàng loạt các Smart Contracts, mạng Binance cung cấp phí giao dịch và các chi phí khác thấp hơn, cùng với khả năng tương thích EVM, khả năng mở rộng và nhiều tính năng khác nữa mang đến nhiều cơ hội đầy hứa hẹn trong tương lai.
Các chức năng, đặc điểm của Smart Contracts
Tương tự như các ứng dụng của phần lớn các Smart Contracts dựa trên Ethereum hiện tại, hầu hết các Smart Contracts được triển khai đều sử dụng Máy ảo Ethereum (EVM). Chúng liên quan chặt chẽ đến các tiêu chuẩn ERC-20. BSC cũng áp dụng tương tự các tiêu chuẩn trên ngoại trừ các nội dung liên quan đến mã token BEP-20. Dưới đây là các chức năng, đặc điểm của Smart Contracts
- Tính bất biến: Smart Contracts không thể bị thay đổi sau khi được triển khai thực thi. Nếu đoạn code được viết khi khởi tạo, chúng có thể sẽ bị xóa. Vụ hack “The Dao” trên Ethereum đã khiến các nhà đầu tư mất một số tiền lớn, trong đó xảy ra một đợt fork (tạo ra một phần mềm khác biệt và riêng biệt) trên chuỗi khối Ethereum. Sự kiện này đã tạo ra sự khác biệt, cải tiến giữa Ethereum và Ethereum Classic. Do đó, người dùng cần yêu cầu Smart Contracts có các đoạn code có chức năng ngăn chặn hoặc phát hiện truy cập trái phép (Tamper Proof codes).
- Tính nhất quán: các Smart Contracts thường thực hiện các nội dung hợp đồng một cách nhất quán, thống nhất. Hợp đồng sẽ thực hiện các điều kiện, điều khoản dựa trên các nội dung có chứa các cụm “Nếu và Khi”. Bất kể ai là người khởi tạo chức năng, việc thực thi sẽ không đổi, không bị tác động.
- Sự tin cậy: Khi không có sự trung gian của bên trung gian, hai hoặc nhiều hơn các bên không biết hoặc không tin tưởng nhau sẽ giao kết hợp đồng mà thiếu sự tin cậy. Tuy nhiên với Smart Contracts, bất kể các bên liên quan là ai, các dữ liệu trên blockchain đều có tính chính xác.
- Tính minh bạch: Các Smart Contracts được đặt trên mạng, có thể được truy cập để theo dõi từ bất kỳ các bên liên quan nào.
- Tự thực hiện: Smart Contracts sẽ tự động thực hiện các hoạt động mà không cần sự tham gia của con người. Tất nhiên, nếu không được kích hoạt, chúng sẽ không thực thi các nội dung trong hợp đồng.
- Phân tán: Để thực hiện đầy đủ các cam kết trong của Hợp đồng, các chức năng của Smart Contracts phải được phân phối rộng rãi trên các node thuộc chuỗi khối Ethereum. Điều này cung cấp các đặc điểm nổi trội và tính năng bảo vệ an toàn cao.
Tài chính phi tập trung (DeFi)
Smart Contracts đã góp phần mạnh mẽ vào sự nở rộ của tài chính phi tập trung (DeFi) hiện nay. DeFi phần lớn bao gồm các ứng dụng và một số chức năng quan trọng dựa vào việc thực thi các Smart Contracts. Ví dụ như Flash Loans, Yield Farming, các giao thức của sàn phi tập trung Dex và nhiều ứng dụng khác đều sử dụng Smart Contracts. Khi các công nghệ mã nguồn mở và phi tập trung thu hút được sự quan tâm của các công ty cũng như chính phủ, các Smart Contracts đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của DeFi.
Tầm quan trọng của Smart Contracts
Smart Contracts nhanh chóng được nhiều ngành đưa vào áp dụng. Các ứng dụng tiềm năng tiêu biểu của Smart Contracts có thể được liệt kê trong các lĩnh vực sau:
- Bảo hiểm: Tự động hóa trong quá trình xử lý yêu cầu bồi thường, giảm thời gian xử lý và chi phí hành chính.
- Bảo vệ bản quyền: Smart Contracts sẽ đơn giản hóa và thực thi quy trình quản lý và theo dõi bản quyền.
- Quản lý chuỗi cung ứng: Smart Contracts cung cấp các giải pháp quản lý và kiểm tra trong quá trình vận hành chuỗi cung ứng. Phương pháp này cho phép tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng đều có thể theo dõi và xác minh tình trạng hàng hóa, đem đến sự minh bạch cho toàn bộ chuỗi cung ứng.
- Nhận dạng danh tính bằng kỹ thuật số: Các nội dung, dữ liệu được lưu trữ và sử dụng trong Smart Contracts đều nằm trong sự kiểm soát của người dùng. Các cá nhân có thể dễ dàng quản lý danh tính của mình bao gồm dữ liệu, thông tin và tài sản kỹ thuật số.
Sự hấp dẫn của Smart Contracts
Smart Contracts thừa hưởng tất cả những lợi ích và điểm mạnh của công nghệ Blockchain, bao gồm tính minh bạch, bảo mật, hiệu quả chi phí và các ứng dụng tiềm năng khác. Nói chung, giá trị tốt nhất khi giảm bớt được bên trung gian của Smart Contracts sẽ giúp người dùng tiết kiệm đáng kể chi phí cũng như giảm thiểu sai sót của con người.
Mặc dù các Smart Contracts có mối liên hệ chặt chẽ với tài chính, nhưng tiềm năng của chúng lớn hơn nhiều so với chỉ áp dụng vào các giao dịch và thanh toán. Game, tài sản số, hoạt động quản trị, tạo lập các sàn phi tập trung DEX và các ứng dụng phi tập trung trên điện thoại là những lợi ích thực sự của Smart Contracts và chúng cũng đang được biết đến rộng rãi hơn trong thời gian qua.
Mặt trái Smart Contracts
Dù Smart Contracts đã giải quyết được nhiều rủi ro trong lĩnh vực Tài chính phi tập trung cũng như trong mạng blockchain, nhưng cũng có một số lo ngại liên quan đến các cuộc tấn công tiềm tàng và việc lạm dụng tràn lan.
Một trong những vấn đề với các Smart Contracts là chúng có thể bị tấn công hoặc khả năng xảy ra lỗi lập trình ngoài ý muốn. Bởi vì tất cả các bộ mã được viết bởi con người và con người vẫn có thể mắc lỗi, dẫn đến các rủi ro về dữ liệu ví dụ như rò rỉ. Một khi các mã được nhập vào blockchain, chúng không có khả năng thay đổi được.
Một vấn đề lớn khác là tình trạng pháp lý. Hiện tại, Smart Contracts chưa được bất kỳ chính phủ nào phê duyệt, điều này có thể gây ra xung đột tiềm ẩn khi các cơ quan quản lý ban hành các quy định liên quan đến Smart Contracts. Tương tự như vậy, việc thiếu sự công nhận của pháp luật sẽ dẫn đến việc người dùng không được bảo vệ, trong trường hợp có sai sót, mâu thuẫn xảy ra.