Stablecoin là một mảnh ghép không thể thiếu trong thị trường crypto, những sự biến động của nó đều có tác động lớn đến toàn thị trường như vụ sụp đổ của UST. Với những người mới, stablecoin là thuật ngữ, chủ đề mà trước khi bắt đầu với việc đầu tư, chúng ta cần xem xét, tìm hiểu kỹ lưỡng.
Key Takeaways:
- Stablecoin là gì? Có bao nhiêu loại stablecoin?
- Vì sao stablecoin lại quan trọng với sự phát triển của thị trường crypto?
- Stablecoin Dominance là gì?
- Những cách kiếm lợi nhuận an toàn với stablecoin trong thị trường.
Stablecoin là gì?
Stablecoin là loại đồng coin được phát triển nhằm mục đích giúp các nhà giao dịch tránh khỏi những biến động của thị trường. Chúng ta có thể phân tách từ stablecoin bao gồm stable (ổn định) và coin (đồng tiền), vì thế chúng ta có thể hiểu đơn giản nó là đồng tiền ổn định trong thị trường crypto.
Các đồng stablecoin hiện nay trên thị trường crypto thường đường neo theo giá của USD, có nghĩa rằng giá trị của 1 đồng stablecoin thông thường sẽ có giá trị là 1 USD. Ngoài ra có 1 số đồng stablecoin sẽ neo theo giá trị của 1 đồng fiat của một quốc gia, khu vực nào đó như EUR, JPY, CNY.
Các đồng stablecoin đóng vai trò lớn trong sự phát triển chung của thị trường crypto, thông thường giá trị toàn bộ thị trường của stalecoin sẽ bằng 10-13% tổng giá trị thị trường crypto. Theo dữ liệu từ Coingecko, trong top 20 đồng coin dẫn đầu thị trường về vốn hoá thì có tới 4 đồng coin là stablecoin.
Vì sao Stablecoin lại quan trọng trong thị trường crypto?
Như bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia thị trường tài chính đều quan tâm tới 2 vấn đề là lợi nhuận và rủi ro. Vào những ngày đầu của thị trường crypto, các cặp giao dịch chủ yếu là các cặp Altcoin/BTC, các nhà đầu tư mới hãy xem xét rằng việc giao dịch của chúng ta có lợi nhuận và nó sẽ thể hiện trên số lượng BTC mà chúng ta nắm giữ.
Tuy nhiên, điều này thật sự rủi ro khi nếu thị trường đi xuống, hoặc là chúng ta chịu nắm giữ BTC hoặc chúng ta bán BTC ra fiat money. Tuy nhiên việc bán BTC ra fiat money thực sự không dễ dàng tại thời điểm đó.
Vì thế, thị trường crypto cần một thứ tài sản ổn định giúp các nhà đầu tư quản lý rủi ro tránh khỏi những biến động và bảo vệ lợi nhuận một cách tốt hơn. Stablecoin ra đời nhằm giải quyết vấn đề này, khi nhà đầu tư nhận thấy rằng thị trường sắp tới sẽ có đợt giảm giá, họ sẽ chuyển đổi tài sản trong crypto sang phần lớn thành stablecoin để tránh khỏi những rủi ro.
Trên thực tế họ có thể chuyển đổi số tài sản trong crypto thành Fiat money, tuy nhiên với những nhà giao dịch thường xuyên thì việc trao đổi liên tục này rất tốn thời gian và chi phí cao.
Trong trường hợp chốt lợi nhuận, nhà đầu tư cũng dễ dàng chuyển tài sản của họ sang stablecoin để bảo vệ phần lợi nhuận của mình thay vì chuyển sang BTC như trước đây mà có thể chịu rủi ro giảm giá đến từ BTC.
Nếu những nhà đầu tư trong giai đoạn 2020-2022 để ý những dự án blockchain layer 1, blockchain layer 2 thì sẽ nhận biết được rằng DeFi trên các blockchain này thực sự phát triển mạnh mẽ khi và chỉ khi có sự xuất hiện của các stablecoin trên đó.
Phân loại Stablecoin
Hiện nay trên thị trường stablecoin được phân loại thành 3 nhóm chính bao gồm:
- Centralized Stablecoins: Stablecoin tập trung
- Algorithmic Stablecoins: Stablecoin thuật toán
- Decentralized Stablecoins: Stablecoin phi tập trung
Theo Coingecko, trên thị trường hiện nay có tới hơn 80 đồng stablecoin, tuy nhiên trong này biết này Coinwire sẽ chỉ đưa ra một số đồng stablecoin nổi bật trong các nhóm đã giới thiệu ở trên.
Centralized Stablecoins (Stablecoin tập trung)
Đây là nhóm đồng coin phổ biến nhất trên thị trường, chúng là những đồng stablecoin được dự trữ, hỗ trợ bởi các tài sản bên ngoài như: cổ phiếu, fiat money, trái phiếu,… Nhóm này có giá trị thị trường phần lớn trong lĩnh vực stablecoin.
Trong số 10 đồng stablecoin dẫn đầu thì có 7 đồng coin thuộc nhóm Centralized Stablecoins, và giá trị của nó chiếm hơn 90% giá trị của lĩnh vực stablecoin. Ba đồng stablecoin nổi bật nhất là USDT, USDC và BUSD.
Trong phần lớn thời gian năm 2022, giá trị thị trường của BUSD luôn ngang bằng hoặc lớn hơn giá trị vốn hoá của BUSD, tuy nhiên vào đầu năm 2023, BUSD bị dính dáng đến vụ kiện liên quan đến SEC và Paxos, vì thế mà giá trị trường của BUSD giảm mạnh từ mức hơn 23 tỷ USD xuống chỉ còn gần 6 tỷ USD.
Hiện tại theo nhiều đánh giá thì nhóm này là nhóm stablecoin an toàn nhất với các nhà đầu tư khi giá trị của nó được đảm bảo bởi các tài sản thực ngoài đời như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, số lượng, giá trị tài sản dự trữ cho nhóm này vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Decentralized Stablecoins (Stablecoin phi tập trung)
Nhóm Stabelcoin này có đặc điểm tương đồng với nhóm Centralized stablecoin, tuy nhiên thay vì được dữ trữ bởi các tài sản giá trị đời thực thì nó lại được dữ trữ bởi các đồng coin trong thị trường crypto. Nổi bật nhất trong nhóm này là đồng DAI, nó được tạo ra bởi các khoản thế chấp bằng Crypto như ETH, BTC. Khi giá trị khoản thế đến ngưỡng, protocol sẽ thực hiện đấu giá và thanh lý khoản thế chấp.
Ngoài đồng DAI thì còn USDD trên Tron Blockchain được dự trữ bởi TRX, BTC, USDT có vốn hoá thị trường tương đối lớn, tuy nhiên khối lượng giá trị giao dịch của nó lại khá hạn chế khi chỉ rơi vào khoảng 20 triệu USD/ngày.
Algorithmic Stablecoins (Stablecoin thuật toán)
Nhóm Stablecoin thuật toán từng là kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư khi ý tưởng của nó mang lại ban đầu cũng rất được quan tâm. Mục tiêu của nó tạo ra một đồng stablecoin mà không bị hạn chế về việc sử dụng vốn (đối với 2 loại giới thiệu ở trên đều yêu cầu có khoản dự trữ).
UST từng là đồng stablecoin sẽ đem lại làn gió mới cho thị trường vốn chỉ là đất diễn của nhóm Centralized Stablecoins khi nó đã từng có giá trị thị trường bằng với BUSD với hơn 18 tỷ USD.
Nhóm Algorithmic stablecoins này hiện nay không được sự chú ý của các nhà đầu tư bởi người ta lo ngại về sự rủi ro của nó, giống như trường hợp UST đã từng. Dưới đây chúng tôi sẽ đi thêm 1 chút về cơ chế hoạt động của UST để mọi người hiểu thêm vì sao lại có sự sụp đổ nhanh chóng đến như thế.
Cơ chế hoạt động của Algorithmic stablecoin UST
Cơ chế ổn định của Terra xuất phát từ cam kết của smart contract trong việc trao đổi các stablecoin của nó với Luna. Bản chất của nó là “sự đảm bảo ngầm” về giá trị thị trường của Luna đối với các stablecoin trên toàn hệ thống.
Cụ thể: Người dùng có thể kiếm 1 USD UST bằng cách đốt 1 USD giá trị thị trường của Luna, hoặc gửi 1 USD UST vào hệ thống và nhận 1 USD Luna tương đương, sau đó khi:
- Khi giá của 1 UST nhỏ hơn 1 USD, người kinh doanh chênh lệch giá có thể mua UST với số lượng lớn, gửi UST đến hệ thống và nhận được mã thông báo Luna tương đương với số lượng USD theo tỷ giá hối đoái 1 UST = 1 USD và nhanh chóng đặt Luna trên thị trường Bán. Điều này sẽ nhanh chóng tạo ra các lệnh mua cho UST và giảm lưu thông trên thị trường của UST cho đến khi giá UST tiếp cận 1 đô la và không gian chênh lệch giá biến mất.
- Khi giá của 1 UST lớn hơn 1 USD, các nhà kinh doanh chênh lệch giá có thể mua Luna với số lượng lớn và với tỷ giá hối đoái 1 USD = 1 UST, đổi Luna lấy UST và nhanh chóng bán UST trên thị trường, điều này sẽ nhanh chóng đưa UST vào áp lực lệnh bán và tăng tính thanh khoản trên thị trường của UST cho đến khi giá UST tiếp cận 1 đô la và không gian kinh doanh chênh lệch giá biến mất.
Do đó, sự tồn tại của các nhà kinh doanh chênh lệch giá và cơ chế trao đổi liền mạch giữa Luna và UST đảm bảo sự ổn định của các stablecoin Terra, trong đó có UST.
Sự sụp đổ của UST là cộng hưởng của sự giảm giá LUNA, khi LUNA được coi là “tài sản ngầm” đảm bảo của UST, trong khi số lượng stablecoin như nợ hệ thống: nợ> tài sản thế chấp, và cuộc khủng hoảng nợ của giao thức Terra đã xảy ra.
Stablecoin Dominance là gì?
Stablecoin Dominance là một chỉ số quan trọng để theo dõi dòng tiền của thị trường, và dựa vào chỉ số này chúng ta có thể biết được rằng các nhà đầu tư đang tập trung vào đầu tư hay phòng hộ tài sản của họ.
Trong nhiều trường hợp, khi chỉ số Stablecoin Dominance cao thì đó là lúc mà các nhà đầu tư thực hiện nắm giữ stablecoin nhiều hơn, nó cho thấy rằng các nhà đầu tư không có nhiều sự quan tâm dành cho Bitcoin là Altcoin. Do đó khó mà thấy được những sự tăng giá mạnh mẽ trong những thời gian này.
Vào những giai đoạn chỉ số Stablecoin Dominance thấp cho thấy rằng thị trường đang trong giai đoạn tích luỹ chờ bùng nổ hoặc thị trường đang ảm đạm đi, các nhà đầu tư đã rút hết tài sản của họ ra khỏi thị trường. Chúng ta cần đánh giá tâm lý thị trường để có nhận định phù hợp hơn.
Bài viết liên quan: BTC Dominance là gì?
Kiếm lợi nhuận với Stablecoin
Với những nhà đầu tư không thích mạo hiểm trong thời điểm thị trường ảm đạm thì việc dùng Stablecoin để kiếm thêm những khoản lợi nhuận thụ động thì cũng không phải là một phương án tồi. Người dùng có thể thực hiện một số chiến lược đầu tư dưới đây với stablecoin của mình.
Lending Stablecoin trên Dapp
Một số Dapp Lending/Borrowing cho phép người dùng gửi stablecoin để nhận mức lãi suất hàng năm (APY) từ 2-7% tuỳ vào từng loại stablecoin như AAVE, COMPOUND, VENUS,… Các dự án này sẽ cho người dùng khác vay lại các Stablecoin này tương ứng một khoản mà họ đã gửi thế chấp.
Cung cấp thanh khoản trên sàn DEX
Bằng việc cung cấp thanh khoản trên các sàn DEX hay còn gọi là Yield Farming, người dùng ngoài việc hưởng phí giao dịch thì còn được nhận các phần thưởng từ Incentives program để nâng mức lợi nhuận có thể tới 10%, mức APY có thể cao hơn nếu người dùng cung cấp thanh khoản các cặp Altcoin/Stablecoin, tuy nhiên sẽ có rủi ro hơn. Một số sàn DEX người dùng có thể tham khảo như Curve, Uniswap, Pancakeswap,…
Gửi tiền trên các sàn giao dịch tập trung
Đa số các sàn giao dịch lớn như Binance, Bybit, Huobi,… đều có tính năng “Earn” cho phép người dùng gửi các tài sản của họ để nhận lại mức lãi suất. Thông thường APY ở các sàn giao dịch này sẽ thấp hơn 2 phương thức đã giới thiệu trên. Tuy nhiên nó lại dễ dàng trong thao tác với đa số người dùng và tránh được rủi ro quên ví, bị hack ví.
Dưới đây Coinwire đã có bài viết hướng dẫn đăng ký và sử dụng các sàn giao dịch tập trung như Binance, Huobi,…
Tổng kết
Stablecoin là một mảnh ghép quan trọng trong thị trường crypto giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro và bảo vệ tài sản của mình trong khi giao dịch một cách dễ dàng hơn. Đồng thời nó cũng giúp thị trường thu hút thêm nhiều nguồn vốn đến từ các quỹ đầu tư khi nó là phương tiện dễ dàng với Fiat money và thị trường crypto. Mỗi nhóm stablecoin đều có những đặc trưng, ưu điểm riêng biệt, tuy nhiên nhóm Centralized stablecoin vẫn chiếm vị thế lớn trong thị trường.