Đa số các nhà đầu tư trong thị trường crypto là những nhà giao dịch ngắn hạn, chúng ta thường xuyên thực hiện các giao dịch trong ngày, trong tuần. Nhưng có bao giờ chúng ta để ý, xem xét các chi phí, các yếu tố trong các giao dịch của mình? Hay có bao giờ bạn thắc mắc về khoản giá trị mà chúng ta nhận được có đúng với giá trị mà chúng ta tính toán theo công thức? Trong các giao dịch, các yếu tố ảnh hưởng lớn đến các khoản chênh lệch là phí giao dịch và slippage.

Vậy Slippage là gì? Trong bài viết này Coinwire sẽ giới thiệu tới người dùng các vấn đề liên quan đến slippage bao gồm nguyên nhân và cách hạn chế những vấn đề ảnh hưởng từ slippage.

Slippage là gì?

Slippage hay còn gọi là hiện tượng trượt giá khi thực hiện các giao dịch thị trường. Slippage là sự chênh lệnh giá giữa giá ban đầu chúng ta dự kiến sẽ giao dịch và mức giá thực mà chúng ta nhận được sau khi thực hiện giao dịch. Trong ví dụ đơn giản dưới đây, chúng ta sẽ hiểu được slippage là gì trong giao dịch.

Giả sử chúng ta muốn mua 10.000 USD đồng Ethereum (giá ETH đang là 1200$), với 1 lệnh market thì chúng ta thông thường sẽ nhận được kết quả giao dịch (bỏ qua các loại chi phí của sàn) như sau:

  • a % sẽ khớp lệnh ở mức giá 1200$
  • b % sẽ khớp lệnh ở mức giá 1205$
  • c % sẽ khớp lệnh ở mức giá 1194$

Rõ ràng rằng chúng ta không thật sự có một giao dịch đúng ở một mức giá là 1200$, chúng ta có thể xem lại lịch sử giao dịch trên tài khoản của mình để kiểm chứng điều này. Một lệnh bán hoặc mua (lệnh market) của người dùng thông thường sẽ được thực hiện ở 2-3 mức giá.

Slippage La Gi

Người mua thực hiện 1 giao dịch nhưng trong lịch sử giao dịch lại thể hiện 3 “lệnh giao dịch” khác nhau, trong trường hợp này chúng ta gần như sẽ không thấy ảnh hưởng của trượt giá tới khoản giao dịch của mình. Tuy nhiên có những trường hợp 3 lệnh trên sẽ được giao dịch ở 3 mức giá chênh lệch nhau khá nhiều nếu giá trị giao dịch lớn so với thanh khoản trên sàn.

SureYield - 970x90

Nguyên nhân gây trượt giá?

Có hai nguyên nhân chính dẫn tới vấn đề slippage hay trượt giá, đó là do lý do thanh khoản và mức độ biến động của thị trường (hay còn gọi là Volatilite).

Thanh khoản thị trường thấp

Đây là lý do lớn nhất mà người dùng thường gặp phải khi giao dịch trong thị trường crypto. Theo dữ liệu từ Coingecko, rất ít các đồng coin có khối lượng giao dịch trên 10.000 USD, những đồng coin có mức giao dịch trên giá trị này thường là các đồng coin nằm trong top 300 những đồng coin dẫn đầu về vốn hoá. Còn lại hàng chục ngàn đồng coin còn lại trên thị trường hoặc là đã bị mất thanh khoản hoặc là chúng được giao dịch với khối lượng rất thấp. Khối lượng giao dịch thấp là kết quả chính xác cho vấn đề thanh khoản thấp.

Thanh Khoan Thap Tren San Mexc

Một ví dụ cho vấn đề thanh khoản thấp khi giao dịch trên sàn MEXC với 1 đồng coin có khối lượng giao dịch thấp (137.000 USD/24H). Chúng ta theo dõi cột trên trái nơi các lệnh đang được đặt. Nếu chúng ta thực hiện 1 lệnh mua giá trị 1000 USD thì mức giá của đồng coin này có thể tăng đến từ 10-20% so với giá trước khi mua (giá hiện tại 0.000295 tăng lên đến hơn 0.0003700) theo như các lệnh đang được treo trên sàn.

Rõ ràng là với việc thanh khoản kép khiến chúng ta chịu rất nhiều “chi phí” khi thực hiện các giao dịch, lời khuyên ở đây cho các nhà giao dịch đó là hãy xem xét giá trị giao dịch của mình và mức độ thanh khoản của thị trường để lựa chọn volume hợp lý cho giao dịch của mình để tránh các trường hợp trượt giá. Những đồng coin thanh khoản thấp không hẳn là những đồng coin tệ, có thể là nó chưa được nhiều người biết đến và fomo.

Các sàn giao dịch phi tập trung cũng có tình trạng tương tự khi đa số các pool thanh khoản của các cặp giao dịch thường rất bé. Đa số các đồng coin trên các sàn phi tập trung thường được cung cấp thanh khoản trị giá từ 10.000 – 50.000 USD, vì thế khi thực hiện các giao dịch giá trị lớn sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ slippage hay trượt giá.

Pool Thanh Khoan Lon Tren Pancakeswap

Ảnh trên là một trong những pool có thanh khoản lớn trên sàn giao dịch Pancakeswap với hơn 115.000 USD, còn các pool giao dịch còn lại đa số có thanh khoản dưới 50.000 USD. Điều này sẽ gây ra những tác động trượt giá lớn khi giao dịch.

Thị trường biến động mạnh

Thị trường crypto biến động rất mạnh, chỉ cần trong 1s ngắn ngủi là giá đã có sự thay đổi tương đối. Trong một thời điểm ảm đạm, chúng ta có thể thấy thị trường cũng đã có những biến động ảnh hưởng đến giao dịch của chúng ta. Tại thời điểm chúng ta đặt lệnh có thể là mức giá 26.789 nhưng do thị trường đi xuống có thể khớp lệnh tại mức giá thấp hơn là 26.785. 

Thi Truong Bien Dong Manh

Những nguyên nhân khác gây ra trượt giá

Ngoài hai nguyên nhân chính trên gây nên hiện tượng slippage thì còn có một số nguyên nhân khác mà người dùng thường không để ý đến.

  • Biên độ giá (spread): Spread là sự chệnh lệch giữa giá mua và giá bán, nếu spread rộng thì trượt giá càng cao và ngược lại. Spread cũng thể hiện thanh khoản, thông thường spread rộng là do thanh khoản kém.
  • Tình trạng mạng và xử lý giao dịch chậm: Khi mạng lưới blockchain xác minh giao dịch chậm thì mức giá thực tế và mức giá nhận được sẽ khác nhau, trường hợp này thường xảy ra với các sàn giao dịch phi tập trung. Còn với các sàn giao dịch tập trung sẽ thường gặp các trường hợp mạng có vấn đề, các giao dịch sẽ bị chậm đi và giá khớp giao dịch sẽ có biến động, tuy nhiên trường hợp này thường không ảnh hưởng nhiều.

Cách giảm thiểu slippage khi giao dịch

Từ nguyên nhân gây ra các trường hợp trượt giá mạnh trong giao dịch, chúng ta có thể đưa ra một số giải pháp cho vấn đề slippage trong giao dịch.

Sử dụng lệnh Limit thay vì lệnh Market

Lệnh Market là lệnh mà đa số các nhà giao dịch cá nhân sử dụng, vì nó khớp lệnh nhanh. Lệnh này sẽ cho phép chúng ta mua/bán đủ số lượng chúng ta yêu cầu. Tuy nhiên trong trường hợp chúng ta giao dịch với giá trị nhiều hơn thanh khoản trên thị trường thì lệnh market sẽ rất rủi ro khi chúng ta sẽ phải mua/bán với một mức giá thua lỗ nhiều so với giá hiện tại.

Vì thế, lệnh Limit sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề trên, lệnh Limit cho chúng ta mua/bán ở 1 mức giá duy nhất mà chúng ta lựa chọn. Mặc dù loại lệnh này sẽ không đảm bảo tất cả giá trị của giao dịch sẽ được hoàn tất, tuy nhiên nó sẽ cho chúng ta giao dịch ở mức giá mà chúng ta mong muốn.

Giao dịch trên các sàn giao dịch có tính thanh khoản cao

Sự trượt giá thường xảy ra ở các sàn có tính khoản thấp, vì thế người dùng hãy lựa chọn các sàn giao dịch có tính thanh khoản cao. Trước khi thực hiện giao dịch mua/bán một đồng coin, các nhà giao dịch có thể kiểm tra xem thanh khoản của đồng coin đó ở đâu đang cao. Để kiểm tra thanh khoản, chúng ta có thể xem khối lượng giao dịch của cặp trên Coingecko như hình dưới.

Thi Truong Optimism

Ví dụ với trường hợp đồng coin Optimism (OP), chúng ta có thể thấy khối lượng giao dịch của nó trên các sàn giao dịch, tại đây chúng ta có thể cân nhắc lựa chọn sàn giao dịch có mức chênh lệch tốt và thanh khoản cao để giảm thiểu slippage.

Điều chỉnh chỉ số slippage trên sàn Dex

Những nhà giao dịch thường xuyên giao dịch trên sàn Dex có lẽ rất quen thuộc với thuật ngữ slippage, nhất là với các trường hợp những đồng coin có thanh khoản thấp, chúng ta thường sẽ không thể thực hiện được giao dịch khi để Slippage Tolerance ở mức thấp, các nhà giao dịch sẽ phải để mức slippage lên tới 10-20% (con số rất lớn).

Chi So Slippage Tren San Dex

Các nhà giao dịch thông thường sẽ xem xét và điều chỉnh mức slippage phù hợp trước khi giao dịch. Với các giao dịch ổn định và thanh khoản tốt trên các sàn dex, chúng ta thường để ở mức 0.5-1%. 

Tổng kết

Các nhà giao dịch cá nhân thường không để ý nhiều đến các kết quả sau giao dịch để xem liệu mình chịu những chi phí hay những khoản phí rủi ro nào trong quá trình giao dịch. Ngoài các chi phí do sàn quy định thì slippage cũng là một yếu tố ảnh hưởng nhiều đến kết quả giao dịch của các nhà đầu tư. Slippage ảnh hưởng nhất với vấn đề thanh khoản, thanh khoản thấp sẽ gây nên tình trạng trượt giá nhiều, ảnh hưởng lớn tới kết quả giao dịch.

Vì thế để tránh tác động của slippage, các nhà đầu tư nên lựa chọn các sàn giao dịch, các cặp giao dịch có thanh khoản tốt, phù hợp với giá trị giao dịch để hạn chế các rủi ro liên quan đến trượt giá.

SureYield - 300x250